Mẹ bị trầm cảm sau sinh có ảnh hưởng đến em bé không?
Sự phát triển và hạnh phúc của trẻ em được hình thành bởi nhiều yếu tố, trong đó sự gắn kết tình cảm giữa mẹ và con đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển toàn diện ở trẻ sơ sinh, ảnh hưởng đến cách trẻ sẽ tương tác, giao tiếp và hình thành các mối quan hệ trong suốt cuộc đời.
Tuy nhiên chứng trầm cảm sau sinh có thể làm gián đoạn mối liên kết này. Trầm cảm sau sinh khiến người mẹ cảm thấy khó khăn trong việc kết nối và tương tác với em bé. Trên thực tế, những bà mẹ bị trầm cảm đôi khi yêu thương và quan tâm nhưng cũng có thể phản ứng tiêu cực hoặc không có phản ứng gì khi tiếp xúc với con.

Mẹ bị trầm cảm sau sinh có thể ảnh hưởng tiêu cực đến em bé.
Sự thiếu tương tác tích cực và nhạy cảm từ mẹ ảnh hưởng đến sự phát triển cảm xúc và xã hội của em bé. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có mẹ bị trầm cảm có thể gặp các vấn đề về hành vi như quấy khóc nhiều hơn, khó ngủ hoặc có nguy cơ cao hơn phát triển các vấn đề tâm lý và hành vi trong tương lai, bao gồm cả lo âu và trầm cảm.
Tuy nhiên, không phải tất cả các em bé có mẹ bị trầm cảm sau sinh đều gặp phải những vấn đề này. Những ảnh hưởng sẽ khác nhau tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng và thời gian kéo dài của chứng trầm cảm của người mẹ và các biện pháp điều trị can thiệp cũng như sự hỗ trợ của gia đình. Việc phát hiện, điều trị sớm trầm cảm sau sinh không chỉ giúp cải thiện sức khỏe tinh thần của người mẹ mà còn tạo điều kiện tốt nhất cho sự phát triển toàn diện của em bé.
Sự gắn kết mẹ – con giúp giảm tác động lâu dài với sự phát triển tâm lý xã hội của trẻ
Mặc dù những tác động ngắn hạn của trầm cảm sau sinh đối với sự phát triển và gắn bó của trẻ nhỏ đã được ghi nhận đầy đủ nhưng người ta vẫn chưa biết rõ về cách trầm cảm ở bà mẹ và những khó khăn trong việc gắn bó ảnh hưởng đến kết quả về hành vi và tâm lý xã hội ở trẻ giai đoạn giữa thời thơ ấu.
Để giải quyết khoảng cách này, một nhóm nhà nghiên cứu trong lĩnh vực Tâm thần học và Tâm thần học phát triển trẻ em và thanh thiếu niên, Trường Y khoa Đại học Shinshu (Nhật Bản) đã nghiên cứu mối quan hệ giữa chứng trầm cảm sau sinh của bà mẹ và mối quan hệ gắn bó giữa mẹ và con cũng như tác động kết hợp của chúng đối với những khó khăn về mặt cảm xúc và hành vi của trẻ em ở lớp 6.
Đáng chú ý, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra sự liên kết sớm an toàn có tác dụng đệm một phần cho những tác động lâu dài của chứng trầm cảm sau sinh đối với sự phát triển của trẻ. Nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng, mối quan hệ gắn bó giữa mẹ và con có thể làm trung gian cho những tác động lâu dài của chứng trầm cảm ở bà mẹ đối với kết quả sức khỏe tâm thần của trẻ.
Kết quả cho thấy, mối quan hệ gắn kết giữa mẹ và con đóng vai trò trung gian trong 34,6% tác động của chứng trầm cảm sau sinh ở bà mẹ đối với những khó khăn của trẻ, điều này đã xác nhận giả thuyết của nghiên cứu. Ngoài những yếu tố này, giới tính của trẻ là một yếu tố dự báo đáng kể về những khó khăn về mặt tâm lý xã hội, trong đó trẻ trai có tổng điểm khó khăn cao hơn trẻ gái, đặc biệt là về hành vi và tăng động hoặc mất tập trung.

Sự gắn kết sớm an toàn giữa mẹ và con giúp giảm tác động lâu dài của chứng trầm cảm sau sinh đối với sự phát triển tâm lý xã hội của trẻ.
Phó Giáo sư Daimei Sasayama tại Khoa Tâm thần học, Đại học Shinshu cho biết: “Những phát hiện này giúp chúng tôi hiểu sâu hơn về cách những trải nghiệm gắn bó ban đầu tác động lâu dài sức khỏe tâm thần của người mẹ đến kết quả về mặt cảm xúc và hành vi của trẻ em. Các nghiên cứu trong tương lai nên ưu tiên phát triển các biện pháp can thiệp giúp tăng cường mối liên kết giữa mẹ và trẻ sơ sinh như một cách tiếp cận để giảm thiểu những khó khăn về mặt tâm lý xã hội lâu dài ở trẻ em”.