Trọng dịp lễ Giáng sinh, những bức tượng gỗ được dùng để trang trí cây thông hay để trên lò sười. Trong nhiều nền văn hóa như Nga, Đức… chúng có ý nghĩa mang lại may mắn, hạnh phúc. Mùa Giáng sinh 2024, Cao Văn Hiến (29 tuổi, Hà Nội) bày bộ sưu tập búp bê bằng gỗ basswood (một loại gỗ mềm) do chính anh làm ra.
“Ban đầu, khắc gỗ đối với mình chỉ là một hình thức giải trí, lâu dần trở thành một niềm đam mê. Tôi thấy rất hạnh phúc khi tạo ra những nhân vật sinh động, một thế giới mini từ những khúc gỗ vô tri”, Hiến cười chia sẻ về công việc của mình.
Cao Văn Hiến thích tạo ra những búp bê khắc gỗ nhỏ xinh, kích thước chỉ từ 5-15cm.
Các sản phẩm búp bê gỗ tí hon nhỏ xinh của chàng trai Hà Thành
Mỗi sản phẩm đều được khắc rất tỉ mỉ
Tuần lộc và cây thông là những biểu tượng của ngày Lễ Giáng sinh.
Hiến sinh ra trong gia đình có truyền thống làm gỗ. Bố anh là thợ đục, chạm. Từ hồi còn nhỏ, trong tâm trí anh đã in đậm bóng lưng của bố khi ông ngồi làm những món đồ như bàn thờ, câu đối cuốn thư, những bức tượng Phật Di Lặc… Dáng vẻ cặm cụi mà say mê của bố in sâu vào tiềm thức anh và “gieo mầm” tình yêu đối với nghệ thuật khắc gỗ từ lúc nào không hay.
Thấm thía sự vất vả khó khăn của công việc này, bố Hiến không muốn con trai đi theo nghề của mình. Năm 2017, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, anh bắt đầu công việc thiết kế kiến trúc và nội thất. Tuy nhiên, những lúc có thời gian rảnh, anh vẫn thường mân mê những khối gỗ nhỏ, đục đẽo chúng thành những món đồ chơi tặng trẻ nhỏ cùng xóm.
Đến năm 2018, Cao Văn Hiến tình cờ biết đến việc tạo hình búp bê gỗ qua một kênh Youtube, từ đó làm quen rồi mê mẩn với lĩnh vực này. Lần đầu tiên thử, anh dùng gỗ thông và chiếc dao rọc giấy, khắc hình chú vịt vàng trong clip trên mạng mà mình từng xem, sau đó cố gắng thử khắc những hình khó hơn. Những con búp bê gỗ đầu tiên còn ngô nghê, chưa rõ đường nét vì anh tự “mò đường” học hỏi qua mạng mà không có ai dạy bảo.
Bộ tượng Hiến làm mùa Giáng sinh – dịp để mọi người quây quần bên gia đình, người thương và bạn bè.
Rất nhiều sản phẩm đã được ra đời mang đậm chất hoạt hình
Mỗi tác phẩm đều được Hiển đặt hết tâm huyết để làm rất tỉ mỉ
Từng nhân vật đều rất có hồn
Dịp lễ cuối năm cũng là cơ hội để mọi người sống chậm lại, tận hưởng thời gian bên bạn đời. Đây cũng là lúc để tận hưởng những chuyến đi chơi một mình hoặc cùng thú cưng.
Sau này, nhờ luyện tập không nghỉ, tay nghề của anh dần được nâng cao. Dù công việc chính bận đến đâu, mỗi ngày anh đều có gắng dành ra 2-4 tiếng đồng hồ luyện tập khắc gỗ, cứ như vậy không ngừng nghỉ trong suốt 6 năm qua.
“Mình bị cuốn hút bởi những búp bê làm từ gỗ nhỏ xinh, cảm giác như được lạc vào thế giới khác vậy. Ngày trước, khi mới bắt đầu làm, những bức tượng làm còn thô và chưa được đẹp, giờ nhìn lại thấy thật xấu. Nhưng mỗi khi làm, mình đều đặt hết tâm huyết và cố gắng hết sức vào bức tượng đó nên dù sao tất cả đều là những đứa con của mình”, Hiến chia sẻ về hành trình tự luyện tập.
Mỗi tượng gỗ tuy rất bé, chỉ cao từ 5-15cm nhưng Hiển thường mất khoảng 3 ngày để làm. Đầu tiên, anh phác thảo ý tưởng nhân vật lên giấy, khi ưng ý thì dùng bút vẽ phác lên gỗ, sau đó dùng cưa để làm phần thô, loại bỏ những đoạn thừa của khúc gỗ.
Phần công phu nhất là làm tạo hình cho bức tượng, chiếm khoảng 70% thời gian. Dựa trên đường nét đã phác thảo, anh dùng dao chuyên dụng để đục đẽo và tạo hình, công việc đòi hỏi sự tỉ mẩn đến từng chi tiết nhỏ, đặc biệt là tạo hình phần đầu với mắt, mũi, miệng sao cho con búp bê thực sự có hồn.
Công việc sẽ rất vất vả khi gặp phải khối gỗ cứng hơn bình thường, khiến Hiến bị đau tay và tốn nhiều công sức. Nhưng vì yêu thích và quý gỗ, anh ít khi đổi sang khối mềm hơn, trừ những trường hợp bất khả kháng.
Bước cuối cùng là tô màu cho tượng. Anh thường sử dụng màu acrylic để cho ra sản phẩm ưng ý nhất. Khi tượng đã khô màu, anh sẽ phủ lớp bảo vệ màu để tượng được bảo quản tốt nhất và duy trì tuổi thọ
Từ những khúc gỗ vô tri, búp bê dần được tạo hình nhờ bàn tay tài hoa.
Công đoạn tô màu đem đến sự sinh động cho nhân vật.
Từ năm 2023, Hiến bắt đầu đăng tải hình ảnh sản phẩm trên mạng xã hội và được yêu thích trên các nền tảng Facebook, TikTok. Tài khoản của anh trên TikTok có hơn 50 nghìn người theo dõi với nhiều clip triệu view. Sự ủng hộ của cộng đồng mạng cũng là một động lực giúp anh càng tận tâm với đam mê khắc búp bê gỗ của mình.
“Đến cuối năm 2023, sau 5 năm theo đuổi lĩnh vực này, mình mới chính thức có đơn hàng đầu tiên đặt làm búp bê khắc gỗ theo yêu cầu; trước đó toàn làm cho người quen thôi. Thấy mọi người ủng hộ, làm xong chia sẻ thành phẩm, mình thấy vui lắm, như được tiếp thêm động lực. Nhưng vì làm thủ công rất tốn thời gian, bản thân lại bận rộn nữa nên mình không nhận nhiều”, Hiến cười rất hiền.
Trên mạng, nhiều bạn trẻ muốn học Cao Văn Hiến khắc búp bê bằng gỗ. Anh đặc biệt lưu ý họ vấn đề an toàn, trong đó việc đeo găng tay chống cắt rất quan trọng. “Chính mình cũng ghét phải đeo nó nhưng để chúng ta có thể duy trì công việc này với đủ 10 ngón thì đây là thứ không thể thiếu”, anh nói.
Mặc dù đã đeo găng, những người theo đuổi đam mê khắc gỗ vẫn luôn phải chuẩn bị băng gạc vì không thể tránh khỏi các vết đâm. Điều cần lưu ý nữa là luôn phải ở trạng thái thực sự tỉnh táo và tập trung. Nếu mệt mỏi, nên nghỉ ngơi vì những lúc vậy rất dễ xảy ra tai nạn nghề nghiệp.
“Thời gian đầu mới khắc búp bê gỗ, mình làm sai, hỏng rất nhiều vì chỉ cần một đường khắc lỗi cũng phải làm lại từ đầu. Mình tin rằng không ai sinh ra đã là bậc thầy nên là sự kiên nhẫn và thực hành quan trọng hơn tài năng. Năng khiếu chỉ là phần rất nhỏ hỗ trợ thôi”, Hiến nói.
Cùng ngắm những tác phẩm búp bê khắc gỗ của anh đang được cư dân mạng yêu thích đặc biệt:
Đàn mèo đem lại may mắn thường được trưng bày dịp cuối năm.
Một số nhân vật gỗ đáng yêu được Hiến khắc cho dịp Giáng sinh.
Cậu bé và chú vịt vàng là một trong những tác phẩm hài lòng của Cao Văn Hiến.