Khu Du lịch quốc gia Tam Chúc – Địa điểm du lịch tâm linh

Chiếm 144 héc-ta trong tổng số diện tích 5.100 héc-ta của khu du lịch, Chùa Tam Chúc được cho là ngôi chùa lớn nhất Việt Nam hiện nay và sở hữu cảnh quan vô cùng đặc biệt: lưng tựa Núi Thất Tinh, mặt hướng Hồ Tam Chúc với 6 hòn đảo đá nổi lên trên mặt hồ, tạo nên cảnh quan vô cùng hùng vĩ và thanh bình.

 

Chùa Tam Chúc hay khu du lịch tâm linh chùa Tam Chúc thuộc thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Đây là một công trình văn hóa tâm linh trọng điểm nối liền ba ngôi chùa lớn của các tỉnh thành. Bao gồm chùa Hương (Hà Nội), chùa Tam Chúc (Hà Nam), chùa Bái Đính (Ninh Bình). Chùa Tam Chúc chiếm khoảng 144 héc-ta trong tổng số diện tích 5100 héc-ta của khu du lịch quốc gia Tam Chúc. Đây là một địa điểm du lịch có quy mô lớn kết hợp với du lịch tâm linh, sinh thái và nghỉ dưỡng.

Nhìn từ Điện Quán Âm xuống cổng Tam Quan và mặt hồ Lục Nhạc

Chùa Tam Chúc được bao bọc bởi quần thể cảnh quan hoang sơ, hùng vĩ với “Tiên Lục Nhạc – Hậu Thất Tinh”. Tiền Lục Nhạc nghĩa là phía trước là hồ lớn, trên hồ có 6 đảo nhỏ giống 6 quả chuông nổi trên mặt hồ. Hậu Thất Tinh nghĩa là phía sau có 7 dãy núi có ngôi sao sáng trên đỉnh núi. Chùa Tam Chúc được xây dựng trên một trục thần đạo bao gồm các công trình tiêu biểu: trên cùng là Chùa Ngọc, phía dưới là Điện Tam Thế, Điện Pháp Chủ, Điện Quán Âm, Cổng Tam Quan và Trung tâm Hội nghị Quốc tế.

Toàn cảnh quần thể Chùa Tam Chúc được chụp từ trên cao

Trung tâm Hội Nghị biểu diễn Quốc Tế có chiều cao khoảng 32 mét, diện tích mặt sàn khoảng 10.000 mét vuông, gây ấn tượng mạnh với du khách bởi kiến trúc siêu to, cả tòa nhà được xây nổi trên mặt hồ với ba tầng mái cong. Đây cũng là nơi đón thuyền để di chuyển tới chùa Tam Chúc.

Phía trước của Trung tâm Hội nghị

Phía sau của Trung tâm Hội nghị

Sau khi di chuyển bằng thuyền khoảng 20 phút thì các bạn sẽ đặt chân tới Chùa Tam Chúc. Đầu tiên sẽ là Cổng Tam Quan, đây là Cổng Tam Quan lớn nhất Việt Nam. Theo như mắt nhìn của người thường thì Tam Quan chỉ có nghĩa là cái cổng có ba cửa. Nhưng đối với những người tu hành, những người theo đạo phật thì Tam Quan được coi là ranh giới phân định giữa cõi linh thiêng và cõi trần tục. Khi bước qua Cổng Tam Quan các bạn đã bước chân vào chốn linh thiêng, chốn Phật pháp. Hy vọng khi bước qua Cổng Tam Quan thì các bạn sẽ bỏ lại những lo lắng, vất vả, muộn phiền trong cuộc sống hằng ngày. Sắp cho mình một tâm hồn thanh tịnh để cùng vào chiêm bái và lễ Phật.

Cổng Tam Quan tại chùa Tam Chúc

Phía sau Cổng Tam Quan là Điện Quán Âm. Quán là quan sát, Âm là lắng nghe, Điện thờ Quan Thế Âm Bồ Tát có thể lắng nghe, quan sát nỗi khổ của chúng sinh. Điện Quán Âm được xây dựng với 2 tầng mái cong theo lối kiến trúc đình chùa đặc trưng của Việt Nam. Điện có chiều cao khoảng 30,5 mét diện tích sàn khoảng 3.000 mét vuông. Nổi bật trong không gian điện là pho tượng Phật Quan Thế Âm Bồ Tát được đúc bằng đồng nguyên khối nặng khoảng 150 tấn.

Không gian bên trong Điện Quán Âm

Sau khi đi qua Điện Quán Âm các bạn tiếp tục đi dọc hành lang hai bên để tới Điện Pháp Chủ. Điện Pháp Chủ thờ Phật Thích Ca Mô Ni. Điện có chiều cao khoảng 31 mét, diện tích sàn khoảng 3.000 mét vuông với hai tầng mái cong. Giữa trung tâm của điện là pho tượng Phật khổng lồ nặng 200 tấn và được đúc bằng đồng nguyên khối không dát vàng. Đây được coi là bức tượng Phật bằng đồng to nhất ở Đông Nam Á tới thời điểm hiện tại.

Tượng Phật Thích Ca Mô Ni – Bức tượng Phật bằng đồng to nhất Đông Nam Á

Tiếp tục di chuyển lên ngôi đại điện phía trên, đó chính là Điện Tam Thế ngôi đại điện lớn nhất trong quần thể chùa Tam Chúc. Điện Tam Thế có chiều cao khoảng 39 mét, diện tích sàn khoảng 5400 mét vuông. Trong điện trưng bày 3 pho tượng phật khổng lồ hay còn gọi là tam bảo đồng quy. 3 pho tượng Phật tượng trưng cho 3 thời điểm là quá khứ, hiện tại và tương lai.

Phật ở quá khứ – Phật ở hiện tại – Phật ở tương lai

Khu du lịch quốc gia Tam Chúc có vị trí thuận lợi trong việc kết nối các khu, điểm du lịch nổi tiếng chùa Hương (Hà Nội), Tam Cốc Bích Động, Tràng An, Bái Đính, Cúc Phương (Ninh Bình), Khu du lịch chùa Tiên (Hòa Bình), tạo thành một quần thể các khu du lịch sinh thái vùng ngập nước và góp phần hình thành nên tuyến du lịch tâm linh lớn nhất Việt Nam.