Chương trình này sẽ bắt đầu từ tháng 4/2025. Giới chức cũng công bố chính sách khác như cho phép phụ huynh có con học lớp 1 đến lớp 3 giảm một phần lương để được tan làm sớm.
“Chúng tôi sẽ xem xét phân bổ lại giờ làm linh hoạt cho người lao động, đảm bảo không ai phải từ bỏ sự nghiệp vì các lựa chọn trong cuộc sống như sinh con hoặc chăm con”, Thống đốc Tokyo, bà Yuriko Koike, phát biểu trong bài diễn văn hôm 14/12.
Bà nhận định đây là thời điểm thách thức, cũng là lúc thủ đô cần chủ động bảo vệ và nâng cao cuộc sống, sinh kế, kinh tế của người dân. Tỷ lệ sinh của Nhật Bản đã giảm mạnh trong nhiều năm, chạm mức thấp kỷ lục mới vào tháng 6, bất chấp những nỗ lực của chính phủ nhằm khuyến khích người trẻ kết hôn và sinh con. Theo Bộ Y tế, năm ngoái chỉ có 727.277 ca sinh, với tỷ lệ sinh (số con trung bình một phụ nữ sinh ra trong đời) giảm xuống mức thấp mới là 1,2. Để duy trì dân số ổn định, tỷ lệ sinh cần đạt 2,1.
Chính phủ Nhật Bản đang thúc đẩy một loạt chính sách khẩn cấp để đảo ngược cuộc khủng hoảng dân số, bao gồm cho nam giới nghỉ phép khi vợ sinh con. Chính quyền các địa phương khác cũng đưa ra các biện pháp để cải thiện điều kiện làm việc.
Nhiều nhà xã hội học cho rằng nguyên nhân tỷ lệ sinh ở Nhật Bản giảm mạnh là văn hóa làm việc khắc nghiệt và chi phí sinh hoạt tăng cao. Thời gian làm việc kéo dài đã trở thành vấn nạn của các công ty nước này, nơi người lao động thường gặp vấn đề sức khỏe, trong những trường hợp nghiêm trọng là “karoshi” (chết vì làm việc quá sức).
Người dân đi làm tại Tokyo, Nhật Bản
Giống như nhiều quốc gia khác, phụ nữ Nhật Bản chịu áp lực phải lựa chọn giữa sự nghiệp và gia đình, nhưng văn hóa làm ngoài giờ đặc thù khiến việc mang thai và nuôi dạy con cái trở nên đặc biệt khó khăn.
Theo Ngân hàng Thế giới, khoảng cách giới tính trong lực lượng lao động của Nhật Bản năm ngoái là 55% đối với nữ và 72% đối với nam, cao hơn so với các quốc gia có thu nhập cao khác.
Việc chuyển sang tuần làm việc 4 ngày đang thu hút sự quan tâm ở phương Tây, nơi một số công ty bắt đầu áp dụng giảm giờ làm như một cách để thu hút nhân tài, đặc biệt là những người tìm kiếm sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Một số nghiên cứu cho thấy, điều này cải thiện sức khỏe và năng suất của người lao động.
Tuy nhiên, đây vẫn được coi là ý tưởng cấp tiến đối với các công ty Nhật Bản, nơi thời gian làm việc thường được coi là thước đo lòng trung thành với công ty.
Tokyo không phải nơi duy nhất ở châu Á thực hiện các chính sách làm việc thân thiện với gia đình. Đầu năm nay, Singapore đã đưa ra hướng dẫn mới, yêu cầu tất cả công ty xem xét nguyện vọng giờ làm linh hoạt của các nhân viên.